CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 08:20

Nhiều dấu hiệu tiêu cực tại giải Pencak Silat Trẻ Quốc gia 2023 cần được làm rõ

Trước những dấu hiệu tiêu cực trong điều hành Giải vô địch trẻ Pencak Silat Trẻ Quốc gia 2023 diễn ra tại Tuyên Quang từ ngày 5/7 – 15/7, Báo LĐ&XH đã có công văn gửi Cục TDTT đề nghị làm rõ để trả lời bạn đọc. Nhưng, đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Pha trừ điểm vô lý dẫn đến cảnh cáo và truất quyền VĐV Dũng

Thời gian qua, Báo Lao động và Xã hội/điện tử Dân sinh nhận được phản ánh của bạn đọc về nhiều dấu hiệu tiêu cực tại Giải vô địch trẻ Pencak Silat Trẻ Quốc gia 2023 diễn ra tại Tuyên Quang từ ngày 5/7 – 15/7.

Theo đó, tại nhiều trận thi đấu dù vận động viên (gọi tắt là VĐV) có những đòn đánh ăn điểm, nhưng vẫn bị trọng tài và ban tổ chức không công nhận. Để làm rõ những phản ánh nói trên, ngày 29/08 Báo Lao động và Xã hội đã có Công văn số 191/CV-LĐ&XH gửi Lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao đề nghị làm rõ công tác chấm điểm của các trọng tài và điều hành của ban tổ chức. Cụ thể:

Vấn đề thứ nhất, tại trận thi đấu số 203 tại thảm B, tối ngày 9/7 giữa VĐV Kiều Hương Giang- đơn vị Hà Nội góc đài xanh và VĐV Phạm Ngọc Ánh- đơn vị Bắc Ninh góc đài đỏ. Theo đó, dù VĐV Kiều Hương Giang có nhiều đòn đánh ăn điểm, nhưng trọng tài điều hành trận đấu không công nhận.

Cụ thể, tại video PV ghi nhận cho thấy tại giây thứ 56 VĐV góc đài xanh thực hiện kỹ thuật đánh ngã đối phương. Theo luật, VĐV góc đài xanh được cộng 3 điểm, nhưng trọng tài đài lại không công nhận điều này.

Ngược lại, trọng tài đài lại cho VĐV góc đài đỏ được 3 điểm, với lý do quá 2 giây từ khi VĐV góc đài xanh tiếp đất và đánh ngã VĐV góc đài đỏ xuống thảm.

Ngay lập tức chỉ đạo viên góc đài xanh đã khiếu nại, yêu cầu kiểm tra VAR. Sau khi kiểm tra VAR, trọng tài VAR phủ quyết khiếu nại trên.

Dù trọng tài khẳng định quá 2 giây, thế nhưng tài liệu PV ghi nhận cho thấy VĐV góc đài xanh từ khi tiếp đất đến khi đánh ngã VĐV góc đài đỏ chưa đầy 2 giây.

Ở một tình huống khác cho thấy, VĐV góc đài xanh đánh ngã VĐV góc đài đỏ từ giây thứ 41 đến giây 43. Nhưng, trọng tài đài không công nhận đòn đánh ngã của VĐV góc đài xanh, ngược lại trọng tài đài lại cho VĐV góc đài đỏ được cộng 3 điểm.

Từ những bất cập trong điều hành trận đấu nói trên, Báo LĐ&XH đề nghị làm rõ các quyết định của trọng tài liệu có khách quan?

Vấn đề thứ 2, tại trận thi đấu số 355 thảm B, sáng ngày 12/07 hạng cân 60kg, giữa VĐV góc đài đỏ Lò Thị Trang- đơn vị Sơn La và VĐV góc đài xanh Nguyễn Ánh Ngọc- đơn vị Hà Nội, dù VĐV góc đài đỏ phạm luật, nhưng trọng tài cố tình xử ép, truất quyền thi đấu VĐV góc đài xanh.

Hình ảnh ghi nhận cho thấy, VĐV góc đài đỏ đá cao chân vào cổ VĐV góc đài xanh. Theo luật ở tình huống này VĐV góc đài đỏ đá phạm luật, nếu bác sĩ nhận định VĐV góc đài xanh bị chấn thương, mất khả năng thi đấu, thì VĐV góc đài đỏ phải bị thua và truất quyền thi đấu.

Khi VĐV góc đài xanh bị chấn thương, không thể thi đấu, bác sĩ phải đưa vào bệnh viện kiểm tra, thì trọng tài đài và 3 trọng tài giám định đều nhận định đòn đá của VĐV góc đài đỏ là hợp lệ. Đồng thời, cho VĐV góc đài đỏ thắng.

Pha đòn hợp lệ của VĐV Đặng Văn Dũng

Vấn đề thứ 3: tại trận đấu số 466 thảm B, sáng ngày 14/7 giữa VĐV Đặng Văn Dũng- đơn vị Hà Nội góc đài đỏ, gặp VĐV Võ Đại Thành Long- đơn vị quân đội góc đài xanh. Theo đó, VĐV Đặng Văn Dũng có nhiều đòn đánh hợp lệ, trúng giáp đối phương. Nhưng, trọng tài đài, Chủ tịch trận đấu và các giám định chấm điểm lại nhận định sai, truất quyền thi đấu VĐV góc đài đỏ.

Cụ thể, tại video dưới đây, ở 1 phút 18 giây VĐV góc đài đỏ thực hiện kĩ thuật đấm trúng giáp đối phương, nhưng cả trọng tài đài và các trọng tài giám định đều xác định kĩ thuật đó là phạm luật vì đấm cao tay. Việc trọng tài đài lấy ý kiến của các giám định và đưa ra kết luận sai, khiến nhiều VĐV bức xúc.

Tiếp theo, ở 1 phút 27 giây trọng tài đài đã cố tình xử lý tình huống sai luật, trừ điểm VĐV góc đài đỏ. Cụ thể, khi VĐV góc đài xanh nằm xuống thảm, trọng tài đài yêu cầu VĐV góc đài đỏ đi về góc trung lập, khi đang đi về góc trung lập thì trọng tài đài lại gọi VĐV góc đài đỏ quay lại trừ điểm, với lý do không nghe hiệu lệnh trọng tài.

Hình ảnh ở video cho thấy việc trọng tài đài trừ điểm là không đúng. Bởi, ban đầu VĐV góc đài đỏ không biết trọng tài đài yêu cầu nên chưa về vị trí, nhưng khi nghe thấy hiệu lệnh đã tuân thủ về góc trung lập. Khi VĐV góc đài đỏ đang thực hiện theo yêu cầu của trọng tài, thì trọng tài đài lại tiếp tục gọi VĐV góc đài đỏ vào trừ điểm, với lý do VĐV góc đài đỏ có hành vi phản ứng không tôn trọng trọng tài.

Quyết định của trọng tài đài là vậy, tuy nhiên theo những hình ảnh được ghi lại cho thấy VĐV góc đài đỏ không hề có lời nói, hay thái độ không đúng với trọng tài đài.

Hành động xử lý của trọng tài đài khiến nhiều VĐV bức xúc. Bởi, theo luật Pencak Silat nếu sau khi bị trọng tài nhắc nhở 2 lần, nếu VĐV vẫn tiếp tục mắc lỗi thì trọng tài mới được trừ điểm.

Quay chậm pha đòn hợp lệ.

    Vấn đề thứ 4, trận thi đấu số 441 thảm B, chiều ngày 13/07, hạng cân 69Kg, giữa VĐV Lư Khăm Mi Lào- đơn vị quân đội ở góc đài đỏ và VĐV Lê Thị Trà- đơn vị Thanh Hóa ở góc đài xanh. Dù VĐV đỏ thực hiện kỹ thuật đánh ngã VĐV góc đài xanh rất gọn gàng, chính xác. Nhưng, trọng tài đài không công nhận, mà đi hỏi ý kiến các trọng tài giám định.

Theo đó, giám định 1: Công nhận đòn đánh ngã cho vđv góc đài Xanh (rõ ràng Xanh bị đánh ngã nhưng lại công nhận cho Xanh được điểm); Giám định 2: Công nhận đòn đánh ngã cho vđv góc đài Đỏ; Giám định 3: Không công nhận đòn đánh ngã.

Vấn đề thứ 5, tại trận thi đấu số 451, thảm B sáng ngày 14/7, chung kết hạng cân 45kg giữa VĐV Lê Thị Khánh Linh- đơn vị Tuyên Quang góc đài đỏ và VĐV Vũ Thị Tuyết- đơn vị Thanh Hóa góc đài xanh.

    Ngay ở những giây đầu tiên (giây thứ 05) VĐV góc đài đỏ kéo ngã VĐV góc đài xanh, nhưng trọng tài đài lại công nhận ngược cho VĐV góc đài xanh được điểm.

    Vấn đề Thứ 6, tại trận thi đấu số 239 thảm B, ngày 10/7, hạng cân 63kg, giữa VĐV Bùi Đăng Quang- đơn vị Hà Nội góc đài đỏ và VĐV Phạm Anh Vũ- đơn vị Đà Nẵng góc đài xanh. Ngay từ giây đầu tiên trong clip, VĐV góc đài xanh dùng 1 tay bắt chân đánh ngã VĐV góc đài đỏ, nhưng không thành công.

Theo luật Pencak Silat hiện nay, VĐV góc đài đỏ sẽ được công nhận đòn đánh ngã cộng 3 điểm vì đã chống được đòn đánh ngã của đối thủ.

Nhưng trọng tài đài đã không công nhận đòn đánh ngã cho VĐV góc đài đỏ mà lại quay ra trừ VĐV góc đài xanh 1 điểm vì lỗi túm kéo 2 tay. Hình ảnh PV ghi nhận cho thấy VĐV góc đài xanh không hề dùng hai tay để túm, kéo VĐV góc đài đỏ. Bởi, nếu VĐV góc đài xanh dùng 2 tay túm kéo vào giáp, hoặc áo thì mới được trừ điểm.

Vấn đề thứ 7, theo đơn thư phản ánh, 3 trận đấu của đơn vị Hà Nội tại trận thi đấu số 203, 355, 466 nói trên đều được Đoàn Pencak Silat Hà Nội làm đơn khiếu nại gửi lên ban tổ chức giải sau mỗi trận đấu. Tuy nhiên, dù đưa ra các video, chứng cứ rõ ràng, nhưng vẫn bị tiếp tục xử ép cho thua.

Đáng nói, khi giải quyết khiếu nại, Ban Tổ chức cũng không đưa video, hình ảnh VAR ra cho đơn vị khiếu nại xem, chỉ trao đổi bằng miệng qua lại với trọng tài để rồi ra quyết định.

Cách xử lý khiếu nại của ban tổ chức giải đi ngược lại chủ trương của lãnh đạo Cục TDTT. Bởi, trước đó, ngày 18/3/2023, trao đổi với Báo Tuổi trẻ, ông Vũ Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao I cho biết, sẽ chỉ đạo bộ môn pencak silat triển khai việc sử dụng máy quay video để ghi lại các tình huống. Cho phép HLV khiếu kiện được xem lại tình huống ngay khi trận đấu đang diễn ra. Đồng thời thành lập ban giám sát, giúp giám sát công tác trọng tài và xử lý các vấn đề khiếu kiện theo luật pencak silat thế giới 2020.

Dù phát biểu là vậy, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, giải cũng không thành lập Ban giám sát.

Theo phản ánh, hiện Cục TDTT bố trí bà Từ Thị Lê Na không có chuyên môn nhưng lại được bố trí phụ trách 2 bộ môn thi đấu quốc gia là Pencak Silat, Muay Thái và môn võ gậy Arnis, dẫn đến việc điều hành tổ chức giải có nhiều sai sót.

Cụ thể, theo phản ánh, khi đơn vị Hà Nội khiếu nại, Ban Tổ chức họp giải quyết. Bà Từ Thị Lê Na với vai trò là người đứng ra giải quyết khiếu nại, nhưng do trình độ chuyên môn không có nên giải quyết vấn đề không thỏa đáng cho người khiếu nại, khiến khiếu nại kéo dài và gây bức xúc trong dư luận các VĐV…

Phải chăng Cục Thể dục Thể thao thiếu các chuyên viên có chuyên môn cao để phụ trách 3 môn này? Vì sao lại bố trí người không có chuyên môn, không được đào tạo về 3 môn thể thao nói trên phụ trách?

Để môi trường thể thao nước nhà ngày càng trong sáng, lành mạnh hơn, trước những dấu hiệu tiêu cực nói trên tại Giải vô địch trẻ Pencak Silat Trẻ Quốc gia 2023 diễn ra tại Tuyên Quang đề nghị Bộ VHTT&DL, Thanh tra Bộ VHTT&TL, Cục TDTT kiểm tra làm rõ tránh khiếu nại kéo dài.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Ngày hội bóng rổ High Hoop cùng Sun Life

Ngày hội bóng rổ High Hoop cùng Sun Life

Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam và Saigon Heat cùng các đối tác vừa thực hiện chương trình Ngày hội bóng rổ High Hoop và hỗ trợ giảng dạy dành cho trẻ em từ 8–13 tuổi tại Hà...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh